Dạy học bằng tình yêu, lắng nghe và chấp nhận lỗi sai của trò, kiểm soát cảm xúc của bản thân… đó là một số biện pháp mà cô giáo Đỗ Thị Hoàng Mai đã và đang áp dụng cho một lớp học hạnh phúc.
* Ngày nào đến trường cũng là ngày vui
Đến lớp 1A trường tiểu học Nông nghiệp, điều có thể nhận thấy là học sinh rất mong đợi vào giờ học. Trò nào cũng háo hức xem hôm nay cô giáo chủ nhiệm sẽ có bất ngờ gì.
Trống vừa điểm, cả lớp đã có mặt đông đủ, ánh mắt nào cũng học trò cũng lấp lánh, chờ đợi. Khi cô Đỗ Hoàng Mai bước vào lớp học, nụ cười theo cô vào từ của lớp. Lấy trong túi ra 3 chiếc kẹo để trên bàn. Cô Mai nói: “Cô đã mua 3 chiếc kẹo này ở rất xa và sẽ dành cho bạn nào xứng đáng”. Cả lớp ồ lên vô cùng thích thú và cuộc đua chăm ngoan, học giỏi trong ngày hôm đó bắt đầu…
Cô giáo Đỗ Thị Hoàng Mai đã thay đổi để kiến tạo nên lớp học hạnh phúc
|
Đó là lớp học hạnh phúc của cô Đỗ Thị Hoàng Mai, giáo viên lớp 1 trường Tiểu học Nông nghiệp (huyện Gia Lâm). Để tạo ra được lớp học mà trò tự tin, vui vẻ và hứng thú học tập, cô phải thấu hiểu, chia sẻ và lắng nghe học sinh.
Trong 20 năm đứng lớp, cô Mai luôn đau đáu trong lòng câu hỏi: Làm thế nào để giáo viên và học sinh được vui vẻ, hạnh phúc mỗi khi đến trường? Câu hỏi này đã được cô tìm ra câu trả lời khi xem chương trình: Thầy cô chúng ta đã thay đổi.
“Tôi xem chương trình, thấy một cô giáo vùng cao, điều kiện rất khó khăn mà đã thay đổi vì học sinh. Tôi nghĩ rằng, tại sao mình có điều kiện hơn mà mình không thể thay đổi. Vì thế, tôi đã nghĩ đến việc thay đổi để xây dựng lớp học hạnh phúc”, cô Hoàng Mai chia sẻ.
Việc thay đổi bắt đầu từ việc nhìn nhận và tự thay đổi bản thân. Để trò cảm nhận được tình yêu thương của mình, cô Mai luôn mỉm cười trong các tiết học, bởi hạnh phúc đến từ những điều giải dị. Cô Mai đã dần thay đổi để tạo ra bầu không khí lớp học vui tươi, tràn ngập tiếng cười. Những lời khen, khuyến khích trong lớp học không còn hiếm hoi như trước. Cô đã bớt dần nét mặt nghiêm khắc và căng thẳng khi chỉ ra những lỗi sao của trò lúc làm bài, viết vở...
Cô giáo ân cần chỉ bảo cho học sinh
|
Bên cạnh việc tự bản thân mình thay đổi, cô Hoàng Mai còn học cách lắng nghe và chấp nhận lỗi sai của học trò và kiên nhẫn hướng dẫn các em sửa sai…
“Tôi cũng học cách lắng nghe vì nhờ đó cô mới hiểu các học trò của mình, có thể giúp các em một cách hiệu quả. Quan trọng hơn cả, tôi đang học cách sống hạnh phúc trong từng khoảnh khắc, học cách cảm nhận hạnh phúc từ những điều bình dị nhất như ánh mắt học trò sáng lên mỗi khi hiểu bài hay một câu nói hồn nhiên, biểu cảm yêu thương từ các em…”, cô Mai vui vẻ nói.
Cũng từ việc lắng nghe và thấu hiểu, cô giáo tâm huyết với nghề nhận ra rằng, học sinh có lòng tự trọng rất cao, việc trách mắng to tiếng khiến các em xấu hổ, khó kiểm soát cảm xúc. Từ đó, cô đã cười với học sinh nhiều hơn, không phê bình các em. Những thay đổi của cô đã được học sinh nhìn thấy và hưởng ứng tích cực.
Cô giáo Đỗ Thị Hoàng Mai cũng tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa để học sinh hạnh phúc khi đến lớp
|
Cô Mai chia sẻ: “Tôi đã đặt mục tiêu gần hơn là thấu hiểu, quan tâm đến cảm xúc của học trò. Nhờ học trò mà tôi cảm thấy mình phải thay đổi. Tôi học được ở các em bài học vô cùng quý giá, đó là lòng bao dung. Mặc dù hôm nay chúng ta có quát mắng chúng, ngày mai cáu giận chúng đi chăng nữa thì chúng vẫn dành cho mình tình yêu thương, lòng kính trọng vô bờ”.
Từ thấu hiểu, cô Mai không bắt trò của mình phải giỏi toàn diện. Mỗi em sẽ có một thế mạnh, chính vì thế cô đã giúp trẻ phát huy thế mạnh đó. Ngoài ra, cô giáo tâm huyết còn gặp gỡ và thuyết phục phụ huynh, bởi cô hiểu, để có lớp học hạnh phúc thì gia đình là nơi bắt nguồn tình yêu thương, khi các em được yêu, được che chở thì chúng sẽ mang hạnh phúc đó đến trường… Nhiều phụ huynh đã ủng hộ những biện pháp mà cô đưa ra để tạo nên lớp học hạnh phúc.
* Đánh thức năng lực và phẩm chất của trò
Đến lớp học của cô Mai, một điều dễ nhận thấy là học sinh rất tự tin, bạo dạn, sẵn sàng chia sẻ và hỏi ngay cô nếu có điều gì làm các em băn khoăn. Đặc biệt, các em chỉ mong ngày nào cũng được đến lớp để được học và được chơi.
Cô giáo Đỗ Thị Hoàng Mai tại trường Tiểu học Nông nghiệp (Gia Lâm)
|
Để thu hút được sự hào hứng của học sinh, vào mỗi tiết học, buổi học hay tuần học, cô Mai đều có phần khởi động. “Việc khởi động rất đơn giản, có hôm chỉ có 3 cái kẹo trên bàn, cũng buổi là những đồ chơi theo phim hoạt hình mà trẻ em thích hay bút nhũ hoặc đồ dùng học tập… Quà không cần phải to nhưng đều là thứ học sinh thích nên tạo cho chúng tâm lý rất hào hứng. Trong lớp của tôi, các bạn học giỏi, chăm ngoan, cố gắng sẽ được tặng phiếu khen, cứ 5 phiếu khen lại đổi được 1 món quà của cô”, cô Mai vui vẻ cho biết.
Sau một năm giảng dạy và thực hiện các biện pháp để tạo ra lớp học hạnh phúc, tỷ lệ về năng lực và phẩm chất của học sinh lớp cô Mai đã tiến bộ so với những năm trước. Cụ thể, tỷ lệ học sinh hợp tác và tự học tốt chiếm gần 80%. Về phẩm chất chăm học, chăm làm, số lượng học sinh chiếm hơn 80%, tự tin trách nhiệm cũng chiếm gần 80%; Gần 100% học sinh biết đoàn kết, yêu thương...
|
Vượt qua cả những con số này, học trò của cô Hoàng Mai đã sôi nổi và tự tin hơn trong các tiết học và các hoạt động trải nghiệm. Các trò mong ngóng được đến trường để gặp bạn và cô sau những ngày nghỉ. Điều đặc biệt, học sinh nào cũng mang nét mặt tươi vui, ánh mắt mong chờ cô giáo đến lớp vào mỗi buổi sáng. Các em đã mạnh dạn, chủ động lên gặp cô để nói lời xin lỗi mỗi khi con mắc lỗi. Các các câu chuyện vui, những nỗi buồn thầm kín đã lấp đầy các giờ ra chơi hay cuối mỗi giờ học. Những cậu trò nhỏ “cá tính, ưa vận động” lúc nào cũng bên cô để được làm những công việc yêu thích...
Tạo dựng được một không khí lớp học như vậy, cô giáo Hoàng Mai đã thành công khi thực hiện các ý tưởng để xây dựng lớp học của của mình thành một “Lớp học hạnh phúc”.